Bài học buôn có bạn, bán có chiến lược từ 3 triệu viên kháng sinh
“Bạn không thể điều khiển gió, nhưng bạn có thể điều chỉnh cánh buồm.” - Thomas S. Monson
Tháng 2 vừa qua, mình tự hào khi đạt được cột mốc quan trọng: bán ra hơn 3 triệu viên thuốc kháng sinh trong thị trường phân phối dược phẩm.
Thành tựu này không chỉ phản ánh nỗ lực của bản thân, mà còn khẳng định sự tin tưởng của quý khách hàng đã giúp mình tạo nên một cột mốc mới trong hành trình làm nghề.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch cúm đang gia tăng tại miền Bắc Việt Nam, có rất nhiều thuốc bị đứt hàng, biến động giá leo thang, những tay buôn thuốc chợ đen mọc lên như nấm sau mưa, và trong số đó thật giả lẫn lộn người không chuyên khó mà phân biệt được.
Nếu bạn là một dược sĩ đang mới bước vào thị trường này làm trình dược viên, hay đang ấp ủ dự định đầu tư làm thương mại dược phẩm.
Đây là một bài viết giúp bạn có thêm góc nhìn kinh nghiệm thực tế, tránh được các rủi ro mất tiền được mình đúc kết sau gần 10 năm làm phân phối dược và từng mất tiền tỷ cho những bài học lớn.
1. Xác định lợi thế cạnh tranh ngay từ đầu để đỡ đầu tư lan man
Nếu bạn là người mới ra trường hoặc mới tham gia vào thị trường phân phối dược phẩm, bạn nên lựa chọn một công ty hoặc một thương hiệu dược phẩm uy tín đã có mặt trường lâu năm để bắt đầu học cách thương mại.
Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng gia nhập vào nhịp mua-bán đang có sẵn của thị trường, dễ dàng kết nối với khách hàng.
Dù cách làm này có biên độ lợi nhuận mỏng nhưng nó sẽ giúp bạn tích luỹ kinh nghiệm nhanh hơn và ít tốn kém tiền bạc, thời gian đi làm thị trường cho những thương hiệu mới khi chưa có nhiều va chạm thực tế.
“ Mọi con đường dẫn tới thành công không bao giờ thiếu bóng dáng của IKIGAI “
Khi bạn nhận thức và tìm thấy sớm IKIGAI của mình, thì hãy dựa vào điểm mạnh cá nhân tìm ra nhóm sản phẩm có thế mạnh để bắt đầu tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp, xây dựng chiến lược bán hàng đúng đắn.
2. Xây dựng quan hệ lâu dài với đối tác, khách hàng thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn
Nếu lựa chọn các lợi nhuận ngắn hạn để theo đuổi, bạn sẽ thường xuyên gặp các vấn đề này:
Thiếu sự trung thành từ khách hàng: Nếu chỉ tập trung vào việc chốt đơn hàng nhanh chóng, bán hàng cò lướt sóng mà không xây dựng mối quan hệ lâu dài. Khách hàng sẽ không ấn tượng để ghi nhớ bạn và có thể tìm đến đối thủ cạnh tranh so sánh giá khi họ có nhu cầu mua hàng.
Điều này sẽ gây khó khăn trong việc duy trì khách hàng cũ và phát triển doanh thu bền vững.
Ảnh hưởng đến uy tín cá nhân: Nếu một trình dược viên chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, bỏ qua chất lượng dịch vụ và mối quan hệ với khách hàng, bạn có thể làm mất uy tín cá nhân khi có sự biến động giá cao trong thời điểm hàng khan hiếm.
Lợi nhuận ngắn hạn không bền vững: Chạy theo lợi nhuận ngắn hạn có thể mang lại doanh thu tức thời, nhưng không giúp doanh nghiệp hoặc sự nghiệp cá nhân phát triển lâu dài.
Hôm nay bạn có hàng giá tốt để bán, ngày mai khách muốn mua tiếp thì không còn, khách hàng dễ dàng quên bạn trong tích tắt để đi tìm nhà cung cấp khác thay thế.
Giải pháp mình từng áp dụng là tập trung xây dựng mối quan hệ bền vững với bác sĩ, nhà thuốc, các đối tác trong ngành dược, điều này giúp tạo dựng niềm tin, uy tín và nhiều cơ hội phát triển lâu dài, ổn định hơn.
Điều này đòi hỏi bạn phải kiên trì rất nhiều năm mới có được các mối quan hệ thân tình.
Nhưng chính các mối quan hệ đó là tài sản quý báu, tạo nên sự khác biệt nổi bật của mình trong lòng khách hàng, so với những người theo đuổi hướng làm nhanh lướt sóng ngoài kia.
3. Không gom hàng theo tâm lý đám đông
Trong mùa dịch, nhu cầu kháng sinh hoặc các thuốc điều trị liên quan tăng vọt, nhiều người đổ xô ôm hàng với hy vọng bán giá cao hơn.
Nhưng thực tế, không phải lúc nào hàng cũng bán được nhanh như dự đoán. Có những lần mình thấy nhiều đồng nghiệp ôm hàng vì sợ đứt nguồn cung, nhưng sau đó thị trường hạ nhiệt, giá giảm mạnh khiến họ chịu lỗ nặng.
“ Hãy phân tích thị trường trước khi quyết định nhập hàng số lượng lớn “
Chiến lược của mình là nhập hàng chính hãng có kế hoạch, kiểm tra hạn dùng, lưu lại số lô, luân chuyển bán nhanh, không để vốn bị chôn quá lâu vào một nhóm sản phẩm duy nhất và nghiên cứu phát triển gam hàng thế mạnh có thị trường lớn.
“ Chỉ nhập hàng tồn kho khi hàng đã có tệp khách lớn mua lại thường xuyên “
Những đợt sóng thị trường sẽ khiến nhiều người làm thương mại muốn gom hàng nhiều, tạo ra sự khan hiếm nhằm đấy giá lên cao thì bán.
Lối làm việc này với góc nhìn của mình là lối tư duy ngắn hạn, không bền, rủi ro cao và không đúng luật thương mại.
Nhưng nó lại là cách thức thương mại phổ biến ngoài thực tế, như kiểu những cái hố sâu có bề mặt bóng bẩy “kiếm tiền nhanh” luôn hấp dẫn, ngọt ngào mời gọi nhiều người tham gia. Tất nhiên, nó không phải game dành cho tất cả.
“ Sự thành công của người khác, không phải cứ đem về áp dụng y chang là mình cũng thành công giống họ “
Hãy đo lường các rủi ro trước khi bạn hành động, sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn trước cơ hội, thấu đáo lựa chọn chiến lược bán hàng phù hợp với điểm mạnh cá nhân.
4. Tỉnh táo trước những thương vụ “ngon ăn” nhưng không rõ nguồn gốc
Thị trường thuốc luôn có những lời chào mời hấp dẫn kiểu như: “Anh/chị có lô hàng giá tốt, không giấy tờ nhưng đảm bảo chuẩn”, hoặc “hàng này từ nội bộ, đảm bảo an toàn”
“ Nếu bạn không thể rõ nguồn gốc sản phẩm và người bán, thì đừng nhập !”
Với mình, uy tín quan trọng hơn lợi nhuận. Một lô hàng không rõ ràng có thể giúp bạn kiếm lời nhanh nhưng cũng có thể khiến bạn mất tất cả khi có vấn đề xảy ra.
“ Không đặt niềm tin vào những lời hứa suông ”
Một sai lầm nhiều người mới vào nghề hay mắc phải là tin vào những lời hứa "giữ hàng", "giá tốt", "chiết khấu cao" mà không có hợp đồng rõ ràng. Mình từng bị mất hàng trăm triệu vì những lời hứa này.
Khi thị trường biến động, không ai đảm bảo được lời nói suông, chỉ có giấy trắng mực đen mới bảo vệ được quyền lợi của bạn.
Khi mới bước chân vào thương mại dược phẩm, mình cũng từng bị hấp dẫn bởi những lô hàng có giá cực rẻ, được chào mời từ các đầu mối không chính thống.
Nhưng sau một vài lần mất tiền oan và phải chịu trách nhiệm với sản phẩm kém chất lượng, bài học sương máu mình đúc rút được là:
“ Làm hàng minh bạch rõ nguồn gốc thì mới bền và phát triển được “
Thị trường dược phẩm có những biến động liên tục, nhưng nếu không kiểm soát được nguồn hàng rõ ràng, bạn có thể mất cả uy tín lẫn khách hàng.
Hãy lựa chọn đối tác cung ứng uy tín, đảm bảo thuốc đạt chuẩn GSP, GDP, GPP và có giấy tờ, pháp lý hợp lệ.
5. Nắm bắt nhanh xu hướng thị trường
Ngành dược phẩm luôn có sự biến động mạnh mẽ do các yếu tố như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong mùa dịch, sự phát triển của công nghệ y tế, thay đổi trong chính sách y tế.
Những diễn biến của dịch bệnh như COVID-19, cúm mùa, các bệnh do virus gây ra, hay bệnh truyền nhiễm khác thường tác động lớn đến nhu cầu thuốc.
Thời điểm này, nếu có thể nhận diện được sự gia tăng nhu cầu về một nhóm thuốc cụ thể đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của thị trường.
Bạn có thể tận dụng cơ hội để cung cấp những sản phẩm phù hợp để phát triển kinh doanh, mở rộng thêm nhiều khách hàng.
"Hãy lắng nghe thị trường, vì nó luôn nói cho bạn biết điều gì đang xảy ra."
Ngoài ra còn một yếu tố đặc biệt ít người làm thương mại hiểu rõ, chính là xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và dược chất điều trị bệnh mới nhất được cập nhật hằng năm.
Đây là yếu tố then chốt trong việc tạo ra sự khác biệt cạnh tranh của các nhà thương mại.
Tuy nhiên thì chi phí đầu tư cho một sản phẩm mới cần rất nhiều tiền và nhiều thử thách, chỉ phù hợp cho những ai đã có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực dồi dào.
Đúc kết
Qua những bài học mà mình đã trải qua, việc xây dựng một sự nghiệp bền vững trong ngành phân phối dược phẩm không chỉ đơn thuần là về việc bán hàng nhanh chóng, hay chạy theo lợi nhuận ngắn hạn.
Đó là hành trình dài đầy thử thách, nơi mà sự kiên trì, uy tín và chiến lược lâu dài đóng vai trò quyết định.
“ Thành công không đến từ những cú "hốt bạc" chóng vánh, mà là từ những bước đi vững chắc, sự kiên định với giá trị cốt lõi “
Việc lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, kiểm soát nguồn hàng rõ ràng, và xác định những chiến lược hợp lý trong việc nhập hàng sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro thương mại không đáng có.
Healthcare Digital Strategist
Nếu có thắc mắc cần hỗ trợ về lựa chọn nguồn hàng hoặc kết nối để trao đổi sâu thêm về nghề, bạn có thể liên hệ với mình qua các kênh: Zalo , Mail
Đọc thêm các bài viết của mình tại đây: